Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

TTYT HUYỆN VĨNH HƯNG                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHŨ NGHĨA VIỆT NAM
TRẠM Y TẾ HƯNG ĐIỀN A                                   Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
         _____________                                                        ____________
Hưng Điền A, ngày 17 tháng 01 năm 2011.


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh rất nguy hiểm, nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong vì chưa có thuốc ngừa và thuốc đặc trị. Bệnh số xuất huyết xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào mùa mưa. Bệnh thường gặp ở trẻ em  từ 2 đến 15 tuổi.
Muỗi vằn thường sống và sinh sản ở đâu?
Muỗi vằn sống trong nhà gần người, chích hút máu người vào ban ngày. Muỗi đẻ trứng vào những nơi chứa nước sạch của gia đình và những nơi chứa nước ứ đọng. Trứng nở thành lăng quăng rồi thành nhộng và thành muỗi trưởng thành trong khoảng 10 đến 15 ngày.
Trẻ bệnh sốt xuất huyết có những biểu hiện gì?
Trẻ bệnh sốt xuất huyết có những biểu hiện như:
·        Sốt cao đột ngột từ 39 đến 400C
·        Sốt kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Khi cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt thì trẻ giảm sốt nhưng sau đó sốt trở lại. Trẻ chán ăn, nhức đầu, xuất huyết dưới da thành những chấm đỏ nhỏ ở chân, tay ấn vào không phai hoặc bị bầm ở chỗ chích thuốc, có khi bị xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Cần làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết?
Các bà mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có những biểu hiện như trên, cần theo dõi chặt chẽ và hạ sốt bằng cách lau mát và cho uống thuốc hạ nhiệt như Paracetamol, tuyệt đối không dùng Aspirine để hạ sốt. Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, thoáng. Cho trẻ uống bất cứ thứ gì mà trẻ thích như nước cam, chanh, nước biển khô, nước dừa… Trong thời gian theo dõi trẻ tại nhà, các bà mẹ cần lưu ý nếu sau ngày thứ 3 mà trẻ có những biểu hiện như: đột nhiên hạ sốt, tay chân lạnh ra mồ hôi nhiều, tím tái quanh môi, li bì, quấy khóc, đau bụng nhiều có ói hoặc đi cầu ra máu thì lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Làm gì để phòng bệnh sốt xuất huyết?
Để trẻ không bị sốt xuất huyết, mỗi gia đình phải tiêu diệt triệt để muỗi vằn và lăng quăng bằng cách:
Một là đậy nắp tất cả lu, khạp, hồ chứa nước bằng mủ ny lon phủ kín các khe hở để muỗi không vào đẻ trứng được.
Hai là thường xuyên thay nước, xúc lu khạp, bình cắm bông để diệt lăng quăng và loại bỏ trứng bám vào thành lu, khạp.
Ba là dùng một ít dầu, nhớt hoặc muối ăn cho vào các chén nước kê chân tủ đựng thức ăn.
Bốn là thả cá ăn lăng quăng như cá lia thia, cá bảy màu vào các lu hồ
Năm là loại bỏ các vỏ đồ hộp, vỏ dừa, vỏ xe cũ, các mảnh lu khạp bể và tất cả các đồ dùng bị hư bể có thể đọng nước mưa. Dọn dẹp nhà ở, không treo vắt nhiều quần áo để muỗi không còn chỗ trú ẩn
Sáu là cho trẻ mặc quần áo dài tay để trẻ không bị muỗi trích. Nên cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày
Bảy là đốt ung vỏ bưởi hay lá sả. Ngoài ra có thể dùng nhang để ung khói trừ  muỗi./.
                                                   Người viết tin
                                                                                  

                                                Nguyễn Khắc Thịnh

Nơi nhận:
-          Đài PT xã;
-          Lưu (GDSK).